Doanh nghiệp cần thức tỉnh về câu chuyện chuyển đổi số mùa dịch Covid-19

08/10/2021 07:21 Sáng

Trước và trong dịch Covid-19, chuyển đổi số là giải pháp được nhắc tới rất nhiều ở cả cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp, tuy nhiên tốc độ còn khá chậm. Theo các chuyên gia, mùa dịch COVID-19 là giai đoạn doanh nghiệp (DN) tỉnh giấc về câu chuyện chuyển đổi số, đưa dự án vào trạng thái khởi động với các bước đi được vạch ra cụ thể, thay vì nghĩ chuyển đổi số là bắt buộc thì hãy tư duy rằng những việc làm trong mùa dịch sẽ trở thành giá trị gia tăng rất lớn, kết hợp các giá trị đó với tính truyền thống của trước đây, doanh nghiệp sẽ vươn lên mạnh.

Covid-19 “kích hoạt” doanh nghiệp chuyển đổi số 

Đại dịch Covid-19 kéo dài gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nó khiến nhiều DN trong nước phải thay đổi cách vận hành để thích ứng cũng như tồn tại với thời cuộc. Chính vì vậy, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các DN tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển.

Tuy nhiên, theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ chuyển đổi số thất bại đang ở quy mô 70%. Thất bại thường gặp phải là ngay khi bắt đầu làm mà không có đủ điều kiện để bắt đầu. Hơn lúc nào hết, dịch Covid-19 là giai đoạn “thử lửa”, đòn bẩy sống còn để các DN đánh giá về hiện trạng chuyển đổi số của chính mình. Giai đoạn cách ly toàn xã hội cũng đòi hỏi hơn bao giờ hết về hiệu quả của việc áp dụng chuyển đổi số cho mô hình làm việc tại nhà…

Ở Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều DN, đặc biệt nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy một tỷ trọng không nhỏ DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý kênh phân phối…

Đối với chuyển đổi số trong quản trị DN, có một tỷ lệ tương đối lớn DN đã chuyển đổi số hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản. Bên cạnh đó, nhiều DN nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các DN nông nghiệp số, giáo dục số, y tế số… hoạt động theo những phương thức mới dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Đồng thời cũng đang tạo nên kỳ vọng về một tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều DN với những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn sang mô hình kinh doanh trên môi trường số.

Nỗ lực nhằm đem đến những giải pháp mới tăng trưởng thương mại cho DN, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều mô hình doanh số trực tuyến (online) kết hợp đan xen với cách thức bán hàng truyền thống (offline). Các DN, tổ chức lớn như FPT, Silversea Media Group (Singapore), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã giúp các doanh nghiệp tìm ra điểm khởi động thông minh trên hành trình chuyển đổi số, cập nhật xu hướng phát triển của thương mại điện tử cũng như mô hình phối hợp các nền tảng thương mại “online” với hệ thống “offline” hiện hữu tạo nên động lực phát triển mới cho DN.

Là chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, từng giúp nhiều mô hình DN từ quy mô tập đoàn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy CTS nhìn nhận, rất nhiều DN đã chuyển sang hoạt động, kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến vì không thể vận hành theo cách thông thường trong điều kiện bất thường. Kể cả những người từ lâu vốn dĩ bảo thủ, rất truyền thống, chưa bao giờ muốn đụng đến công nghệ cũng đã buộc phải chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý, chuyển đổi số không phải là cây đũa thần, đừng kỳ vọng có thể thay đổi ngay lập tức ở quy mô toàn doanh nghiệp. Nhiều DN tìm các phần mềm, ứng dụng và nền tảng 4.0 rồi cho rằng đó là chuyển đổi số nhưng trên thực tế, đó chỉ là bước cuối cùng trong câu chuyện chuyển đổi số sau khi đã hoàn thành rất nhiều bước khác liên quan đến chuẩn bị, số hoá, kết nối…

Nói về chuyển đổi số, ai cũng cho rằng khó khăn lớn nhất là yếu tố công nghệ thuần tuý, trong khi đó ông Hòa chỉ ra, hai yếu tố tạo nên sự bất ổn lớn nhất là pháp luật và văn hoá. Trong đó, hệ thống pháp luật không theo kịp sự phát triển của công nghệ, và tư duy của nhiều người lãnh đạo còn quá truyền thống, vẫn đang chống lại công nghệ. Ông Hòa lấy ví dụ, các hãng taxi công nghệ như Grab, Uber vào thị trường Việt Nam, phải mất tới 5 năm kiện tụng mới ra được một nghị định để đưa thị trường vào khuôn khổ vì công nghệ quá mới. Tương tự, hành lang pháp lý cho các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng chưa được hoàn thiện, tự những người kinh doanh quản lý giữa đúng và sai, nên tạo nên một văn hoá, một thế giới hoạt động khác biệt.

“Thay đổi lớn nhất mùa dịch không phải là chuyển đổi số mà là ý thức về chuyển đổi số, đó là sự vỡ lẽ về việc đang có một kênh tương tác khác với thế giới. Trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra, điều quan trọng là phải quay trở lại giá trị hữu hình và đặc biệt giá trị hạnh phúc – giá trị mang tính vô tận nhưng đôi khi lại vô cùng đơn giản với mỗi người”, ông Hòa nói.

Để chuyển đổi số thành công, DN phải có cả phần cứng, phần mềm

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, ngay trước Covid-19, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam khá rõ ràng, nhất là khi mọi người đều có điện thoại thông minh – cơ sở để chuyển đổi số. Tuy nhiên, do là nước đi sau, trình độ phát triển lại không cao nên quá trình chuyển đổi không dữ dội. Từ khi Covid-19 gây ra cú sốc lớn cho cả thế giới, tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số.

Ông Thiên cho rằng, không quá phức tạp để lý giải hiện tượng này, bởi vì nền tảng Việt Nam đã được chuẩn bị sớm và phổ biến nhanh. Đồng thời, khi Covid-19 xảy ra, điều không ai lường trước được là nó chặn đứng tất cả các kết nối thực và buộc con người không được di chuyển…Theo một cách nào đó, Covid-19 đã có công lao to lớn, là thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ. Tất nhiên chúng ta vẫn sẽ có sự khó chịu về đại dịch này, nhưng trong nguy có cơ, không chỉ có rủi ro thuần túy… Dịch Covid-19 tất nhiên đáng sợ nhưng không nên quá ám ảnh vì nó, bởi thời đại hiện nay còn nhiều yếu tố khác nữa cần quan tâm. Đó là tinh thần doanh nhân tham gia vào quá trình tái cấu trúc, bên cạnh đó là môi trường chính sách, làm thế nào để giúp DN tái cấu trúc sau khủng hoảng Covid-19? Các DN phải nhìn thấy nguy trong cơ để vượt lên, khi lực lượng không mạnh, bị trói buộc, đó chính là tái cơ cấu, nếu không chỉ là “gà nhặt mấy hạt thóc rơi vãi”.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. DN nhỏ và vừa tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế là quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với DN lớn. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo, đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng là yếu tố công nghệ. Công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ tới – hậu COVID-19. Do đó, để chuyển đổi số thành công, DN phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đầu tư công nghệ hợp lý để kết nối người lao động, kết nối với đối tác.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một bộ phận các doanh nghiệp vẫn “mơ hồ” về chuyển đổi số, do vậy gặp những khó khăn trong việc xác định một chiến lược và bước đi ban đầu. Phần lớn chưa nhận thức và tìm ra sự gắn kết giữ lợi ích của việc chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh.

Để tiếp tục phát triển quá trình chuyển đổi số, chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, các cách các thủ tục hành chính theo hướng hoàn thiện “chính phủ điện tử” và “chính quyền điện tử” để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công lẫn tư.

Cùng với đó, cần ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nhân lực để vượt qua ngưỡng “sơ khởi” của quốc gia sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích phát triển các nền tảng số “Make in Vietnam” đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu khách hàng với tính chất là tài nguyên trong thời đại mới.

Về phía các doanh nghiệp, ngoài việc cần nâng cáo nhận thức về sản xuất kinh doanh trong kỷ nguyên 4.0; xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi số thì các chuyên gia cho rằng cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng 5 phương diện để chuyển đổi số doanh nghiệp. Cụ thể bao gồm: khai thác các mạng lưới khách hàng; xây dựng các nền tảng, không chỉ xây dựng các sản phẩm; biến dữ liệu thành tài sản doanh nghiệp; đổi mới thông qua thử nghiệm nhanh và điều chỉnh tuyên bố giá trị và làm chủ các mô hình kinh doanh đột phá.

Gia Minh

Cùng chuyên mục

Gỗ An Cường tìm kiếm đối tác xuất khẩu tại HawaExpo 2023

23/02/2023 12:04 Chiều

 Tham gia Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP.HCM- HawaExpo 2023 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) Công ty cổ phần Gỗ An Cường (Gỗ An Cường) đã giới thiệu tới khách tham quan các vật liệu, giải pháp nội thất gỗ cũng như tìm kiếm các đối tác và thi trường xuất khẩu.

VSBC – Tiên phong xây dựng mô hình “Cộng đồng doanh nhân kiểu mới”

16/06/2022 04:59 Sáng

Sở hữu cộng đồng hơn 67.000 thành viên với hàng nghìn chủ doanh nghiệp, hội viên hoạt động kết nối trực tiếp mỗi tháng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. CLB Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam (VSBC) không đơn thuần chỉ hỗ trợ kết nối giao thương mà còn là nơi kiến tạo hệ sinh thái giá trị bền vững cho cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam.

ESG và những tác động tích cực lên thị trường bất động sản Việt Nam

04/06/2022 08:51 Chiều

Trong thị trường bất động sản thương mại và công nghiệp, chỉ mới cách đây vài năm, các yếu tố bảo vệ môi trường, xã hội, quản trị (ESG) thường ít được nhắc tới trên bàn đàm phán. Ngày nay, điều này đã bắt đầu trở thành yêu cầu phải có và được coi là một cơ hội đầu tư giảm thiểu rủi ro lớn cho các doanh nghiệp thức thời. Vậy ESG là gì và có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?

Khởi nghiệp xanh: xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp

31/05/2023 05:30 Chiều

Chiều 31/5, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (TT BSA) tổ chức tọa đàm: “Khởi nghiệp Xanh - hành trình 10 năm kiến tạo những doanh nông trẻ”.

Đối tác