Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng

18/02/2022 08:54 Sáng

Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký bán hành đã giao ngành NNPTNT nhiều mục tiêu quan trọng, với những điểm mới mang tính đột phá.

Trong đó, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp…

Sáng 17/2, tại buổi họp báo công bố chiến lược, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh những điểm mới mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh những điểm mới mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng.

Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị. Lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, vượt qua địa giới hành chính.

Cùng với nông nghiệp, ngành chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập. Đó là đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn; có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra, đảm bảo “ly nông bất ly hương”. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô… để tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.

Về phát triển thị trường, để đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.

Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Theo Doanhnghiepvn.vn

Cùng chuyên mục

Ôtô sản xuất trong nước lại được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt

22/05/2022 07:25 Chiều

Thời hạn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được lùi đến 20/11/2022. Các chi nhánh, đại lý của doanh nghiệp sản xuất ôtô cũng thuộc diện được gia hạn nộp loại thuế này.

Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỉ ngay quý đầu tiên

23/03/2022 11:29 Sáng

Dù chưa kết thúc quý I nhưng nhiều ngân hàng đã “rục rịch” báo lãi lớn, bất chấp những khó khăn trong dịch COVID-19.

Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ lớn

14/11/2022 06:46 Chiều

Việt Nam là điểm đến chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao.

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024

19/10/2023 07:30 Chiều

Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan về đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đề xuất tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng từ 1%

25/09/2022 10:59 Chiều

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ được tăng giá điện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình.

Đối tác