Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc “giảm đau” cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia

02/08/2021 04:30 Chiều

"Cũng như trong một gia đình, việc người lao động chính bị ốm không đi làm được sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập gia đình. Ưu tiên vaccine cho TP. HCM nhìn chung sẽ là có lợi về mặt đóng góp cho kinh tế đất nước" - chuyên gia kinh tế Đặng Hoàng Hải Anh nhận định.

Mới đây, tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẩn thiết kêu gọi: “Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TP. HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tinh thần cả nước hướng về TP. HCM. Thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được TP. HCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn. Sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, chúng ta ưu tiên cao nhất vaccine phòng Covid-19 cho TP. HCM và khu vực lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 1.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. HCM đánh giá, chủ trương này của Chính phủ rất cần thiết và phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, tại TP. HCM cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tại sao, các chương trình tiêm chủng khác, chúng ta không dùng từ “chiến lược”?

Chuyên gia Đại học Kinh tế TP. HCM lý giải, vì vaccine Covid-19, trong bối cảnh hiện tại, là một loại hàng hóa y tế rất đặc biệt, không phải cứ có tiền là mua được. Mặt khác, cách thức tiêm chủng như thế nào để đạt hiệu quả, đạt được lợi ích tối đa về mặt xã hội, kinh tế cũng cần phải được tính toán một cách kĩ lưỡng. Vì thế, chúng ta mới dùng từ chiến lược để nói về việc tiêm vaccine phòng bệnh này. Hơn nữa, đó cũng là đảm bảo duy nhất lúc này cho triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Chiến lược ở đây, bao gồm việc chúng ta phải nhập khẩu như thế nào, phân phối ra sao, thứ tự ưu tiên về đối tượng, khu vực ưu tiên tiêm như thế nào, rồi cả việc chuẩn bị các nguồn tài trợ làm sao để đủ tiền mua được vaccine…

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Hiện tại, Chính phủ nói chung, và Bộ Y tế nói riêng đã có những hành động rất kịp thời. Dịch bệnh diễn ra ở TP. HCM đã rất nghiêm trọng, cùng với việc phải siết chặt các biện pháp chống dịch, nền kinh tế của chúng ta đang bị bóp nghẹt. Nếu như không có sự giải tỏa, cải thiện thì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tiếp tục leo thang. Khi đó những hậu quả đáng ngại hơn về kinh tế sẽ diễn ra.

“Cho nên, theo tôi việc ưu tiên cho TP. HCM có lượng vaccine dồi dào, để có thể triển khai tiêm chủng cho lực lượng sản xuất như công nhân, người lao động hay ưu tiên cho lực lượng đảm bảo lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế như đội ngũ lái xe, shipper… là rất cấp thiết” – ông Bảo nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc tiêm chủng cho người dân TP. HCM diễn ra càng sớm chừng nào càng đem về ích lợi cho kinh tế chừng ấy. Như Thủ tướng và Phó thủ tướng đã nói, chiến lược chống dịch này chúng ta đếm từng giờ, từng phút chứ không phải là tính bằng ngày, bằng tuần nữa.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, việc vận chuyển thuốc men, vaccine từ các địa phương về TP. HCM cũng phải được thực hiện một cách khẩn cấp giống như vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược thời chiến tranh, phải rất nhanh, càng sớm càng tốt.

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 3.

Giải thích rõ thêm tại sao cần ưu tiên vaccine cho TP. HCM, chuyên gia kinh tế Đặng Hoàng Hải Anh, Giáo sư thỉnh giảng ĐH Indiana, Hoa Kỳ giải thích: TP. HCM đóng vai trò đầu tàu nền kinh tế, đóng góp khoảng hơn 20% tổng GDP và gần 30% nguồn thu ngân sách cho Chính Phủ. Nếu các hoạt động kinh tế của TP. HCM bị tê liệt, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của cả nước sẽ khá nặng nề. Hơn nữa, có thể có thêm các tác động dây chuyền, ảnh hưởng chung tới các tỉnh phía Nam vì TP. HCM là vùng kinh tế trọng điểm góp phần điều tiết chung các hoạt động kinh tế.

Thêm vào đó, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất còn là một trung tâm giao thông lớn nhất của cả nước, phục vụ hơn 40 triệu hành khách trong năm 2019 (nhiều hơn khoảng 30% số hành khách của sân bay quốc tế Nội Bài).

Cũng như trong một gia đình, việc người lao động chính bị ốm không đi làm được sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập gia đình. Ưu tiên vaccine cho TP. HCM nhìn chung sẽ là có lợi về mặt đóng góp cho kinh tế đất nước.

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 4.

Ảnh: UNICEF

Khi phân bố vaccine cho các địa phương, theo ông Hải Anh, có thể sử dụng 3 tiêu chí sau: i) tình hình dịch bệnh hiện tại, ii) mật độ dân cư, và iii) vai trò của tỉnh đó trong đóng góp kinh tế (hoặc an ninh quốc phòng) cho cả nước.

Chuyên gia này phân tích, thứ nhất, tiêu chí tình hình dịch bệnh để đánh giá mức độ cấp thiết trước mắt mà vaccine có thể hỗ trợ, và cũng để giảm thiểu số người nhiễm bệnh nặng dẫn tới tử vong. Thứ hai, tỉnh nào có mật độ dân cư đông hơn, thì nếu không khống chế tốt bệnh dịch, tác hại sẽ lớn hơn, nên tiêu chí mật độ dân cư để đánh giá tác hại lây lan tiềm tàng của dịch bệnh. Cuối cùng, tiêu chí đóng góp kinh tế giúp phân loại các tỉnh để giúp thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ.

TP. HCM hiện đáp ứng cả 3 tiêu chí trên, nên được ưu tiên vaccine nhiều hơn. Trong thực tế, điều này có thể đúng với các đô thị lớn hay vùng kinh tế trọng điểm đông dân trong tỉnh chứ không nhất thiết cả tỉnh phải đáp ứng tốt các tiêu chí này.

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 5.

Chiều 31/7, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp ở TP. HCM và các tỉnh lân cận, Thủ tướng đã có công điện về phòng, chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, theo đó đồng ý để các tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày, đồng thời yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép.

Theo ông Đặng Hoàng Hải Anh, việc tiếp tục giãn cách các tỉnh miền Nam, tất nhiên có tác dụng tốt đối với việc kiểm soát dịch bệnh. Song, những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế cũng sẽ nhiều hơn.

Vì thế, để giảm tác động tiêu cực của việc giãn cách xã hội đối với người dân, ông Hải Anh cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục giảm các chi phí điện nước sinh hoạt, và đảm bảo trợ cấp ít nhất là lương thực thực phẩm để không gia đình nào rơi vào cảnh thiếu đói. Về phía doanh nghiệp, họ cần được giãn nợ vay ngân hàng, và giảm bớt các chi phí thuế và lệ phí.

Việc giúp đỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân không đơn thuần là hoạt động trợ cấp xã hội, mà còn có thể ví như việc Chính phủ đầu tư vào nền kinh tế để giúp nền kinh tế có sức bật phục hồi mau chóng sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Ưu tiên phân bổ vaccine và liều thuốc giảm đau cho giãn cách xã hội TP. HCM dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 6.

Ảnh: Việt Đức

Ví dụ, doanh nghiệp vẫn cầm cự được sau dịch mà không phải sa thải nhân công thì có thể tiếp tục sản xuất nhanh chóng. Người dân không bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ giúp tỷ lệ đói nghèo không tăng lên, và có thể đảm bảo sức mua, giữ vững lượng cầu cho nền kinh tế sau dịch.

Bên cạnh những kiến nghị hỗ trợ đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo bổ sung thêm: “Thời gian qua, cả nước đã chung tay cùng TP. HCM chống dịch. Từ hỗ trợ thuốc men, nhân lực y tế, lương thực thực phẩm, những sự chia sẻ, tình cảm và những thông điệp động viên… tất cả đều rất tích cực. Song, tôi chỉ muốn đóng góp thêm một ý kiến nữa, đó là Trung ương nên trao cho chính quyền TP. HCM quyền quyết định nhiều hơn trong việc chống dịch, để các quyết định đó tập trung và nhanh chóng đi vào thực địa, hạn chế bớt các cuộc thảo luận, hội họp”.

“Giống như Quốc hội trao cho Thủ tướng quyền quyết định đặc biệt, tôi mong Trung ương cũng trao cho bộ máy lãnh đạo TP. HCM điều này để họ đưa ra quyết sách chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời, và chính lãnh đạo thành phố sẽ chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đây có thể là một sự hỗ trợ rất lớn cho chính quyền thành phố trong công tác chống dịch” – ông Bảo cho biết thêm.

Theo Trí thức trẻ

Cùng chuyên mục

Khánh Hòa: Tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến/về phải khai báo y tế

25/10/2021 08:59 Sáng

UBND tỉnh vừa ban hành quy định tạm thời việc đi lại của người dân đến tỉnh Khánh Hòa từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.

Hà Nội yêu cầu lễ cưới không tập trung quá 30 người/thời điểm, ngừng hoạt động nhiều dịch vụ

03/11/2021 07:36 Sáng

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND TP. Hà Nội yêu cầu lễ cưới không tập trung quá 30 người cùng thời điểm. 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ… đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h hàng ngày. Ngừng hoạt động vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, trò chơi điện tử.

Hộ nghèo, người có công sẽ được miễn giảm thuế sử dụng đất

26/10/2021 07:50 Sáng

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Thông tư quy định chi tiết về thủ tục, hồ sơ được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với tùy từng trường hợp cụ thể. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Lâm Đồng: Thăm, tặng quà giáo viên, học sinh các khu cách ly

19/10/2021 07:39 Sáng

Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Ngành GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, ngày 18-10, Giám đốc Sở GD-ĐT - Phạm Thị Hồng Hải và lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Lâm Đồng đã tổ chức chuyến thăm, tặng quà động viên các giáo viên và học sinh đang thực hiện cách ly tập trung tại 4 khu cách ly ở huyện Đức Trọng phòng, chống dịch Covid-19…

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày 29/9

30/09/2021 06:20 Sáng

Bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19; Gắn tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nghề; Yêu cầu rà soát, sửa đổi, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ; Phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025... là những nội dung chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/9/2021.

Đối tác