Hội thảo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Cao Bằng

28/06/2021 10:20 Sáng

Hành trình thanh niên khởi nghiệp 2020 đã diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST cấp vùng tại Cao Bằng bao gồm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST...Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương.

Năm 2020 sẽ tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực Nông nghiệp Thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy Hải sản, Nông Lâm nghiệp và Nông nghiệp kết hợp với Du lịch, logistic. Hành trình thanh niên khởi nghiệp – Ngày hội khởi nghiệp ĐMST cấp Vùng của Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844 – Bộ KHCN, Cục Phát triển DN – Bộ KHĐT tổ chức đã được đoàn viên thanh niên và các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương đánh giá rất cao..

Nhìn nhận tình hình thực tiễn tại địa phương, có thể thấy rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Cao Bằng đã và đang có rất nhiều lợi thế để phát triển nhưng cũng còn tồn tại những điểm hạn chế cần được khắc phục.

Tỉnh Cao bằng luôn ưu tiên tạo điều kiện để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, cụ thể là, chính quyền đã xúc tiến hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng biệt; đồng thời quan tâm cử công chức phụ trách công tác khởi nghiệp ở các sở, ngành tham dự các khoá đào tạo do các bộ, ngành và đặc biệt là do Bộ KH&CN tổ chức, để nâng cao năng lực và khả năng tổ chức thực hiện công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Tỉnh cũng có những chương trình cụ thể để phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương như ban hành các chỉ số cải cách; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch; chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh tổ chức gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp; thành lập các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp;v.v…

Song song với đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều bất cập, chẳng hạn như tình hình tạm ngừng hoạt động và giải thể doanh nghiệp, hợp tác xã có xu hướng tăng; phần lớn các doanh nghiệp của Cao Bằng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có các hoạt động gắn kết, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hầu hết các doanh nghiệp mới được thành lập của tỉnh đều phát triển sản xuất kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật và dịch vụ chứ chưa thật sự là các khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm hạn chế đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Cao Bằng như sau:

Thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán, chưa có nguồn lực để triển khai thống kê, khảo sát về thực trạng các thành phần cũng như liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là, chưa có phương thức, công cụ hỗ trợ thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, khai thác và cung cấp dữ liệu có ích tới các thành phần của hệ sinh thái. Đây là nhu cầu hết sức thực tiễn cho công tác liên kết, kết nối giữa các chủ thể của hệ sinh thái, dẫn tới việc: Nhà đầu tư thì không biết tìm startup ở đâu, startup không biết tìm những sự hỗ trợ cụ thể ở đâu, doanh nghiệp giữa các địa phương, vùng chưa có sự kết nối thống nhất về hoạt động kết nối,…

– Công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, chưa có tính liên thông, liên kết chưa cao; hoạt động liên kết của các cá nhân khởi nghiệp chưa chặt chẽ, chưa có nhiều thành viên tham gia để tạo thành các nhóm, mạng lưới hoạt động chuyên nghiệp. Ví dụ, nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện được tổ chức về những nội dung tương đối giống nhau trong một năm, lãng phí nguồn lực chuyên gia và tổ chức. Nếu có sự liên thông trong công tác tổ chức, chuẩn bị, sẽ tận dung được nguồn lực chuyên gia nhiều hơn, tránh lãng phí thời gian của các đối tượng tham gia sự kiện.

– Hoạt động hợp tác, liên kết của tỉnh Cao Bằng đối với các địa phương khác, mặc dù đã có nhưng chưa đi vào chiều sâu, chỉ đang dừng lại ở mức độ tham gia sự kiện, học hỏi kinh nghiệm, ký kết hợp tác chiến lược.

– Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn.

– Thiếu các thông tin liên quan để kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp.

Cùng với triển vọng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, một nền kinh tế số mở rộng đã bùng nổ và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế số là cơ hội lớn đối cho các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước giàu. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong việc thúc đẩy nền kinh tế số. Đứng trước những thuận lợi về nền kinh tế số của Việt Nam, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn có đủ cơ sở cũng như cần hành động ngay để tiến hành chuyển đổi số đối với lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương.

Để phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển và đẩy mạnh hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã đề xuất tỉnh Cao Bằng tham khảo cách thức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Hồ Chí Minh và nên tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; thường xuyên thực hiện đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc để tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất; xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm,… giúp doanh nghiệp và các nhóm cá nhân có thêm nhiều cơ hội phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, việc thu hút đầu tư, mở rộng thị trường còn hạn chế. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ được xác định là công cụ chiến lược để giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố, duy trì và mở rộng thị phần của sản phẩm; đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị, giảm tác động xấu đến môi trường, góp phần phát triển KT-XH một cách nhanh chóng và bền vững.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là mục tiêu và yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào quản lý, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ là những điểm quan trọng để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hội nhập và phát triển.

Tỉnh Cao Bằng cần chú trọng việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức pháp luật nói chung, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng cho thanh niên. Đặc biệt, tỉnh Cao Bằng cần hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chưa hiện tốt các quy định về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh vẫn chưa đăng ký xác lập bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm. Do đó, tỉnh cần có chiến lược đẻ thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đơn vị trong quan tâm chú trọng đến xây dựng chiến lược bảo vệ phát triển thương hiệu của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản trí tuệ trên con đường hội nhập.

Tỉnh Cao Bằng phải định hướng rõ về việc khởi nghiệp gắn liền với đổi mới sáng tạo thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể cho lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ trên địa bàn, lan tỏa xuống tới các trường, trung tâm nghiên cứu, tổ chức thanh niên và cuối cùng là tới từng thanh niên.

Tỉnh Cao Bằng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thanh niên khởi nghiệp, nhất là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hoặc những thanh niên thực hiện dự án khởi nghiệp nhằm phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Phát triển, hỗ trợ các kênh tư vấn với chi phí ưu đãi dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về luật pháp, cơ chế, chính sách, phát triển kinh doanh, đầu tư khởi nghiệp, tài chính, kế toán và các dịch vụ cần thiết khác.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ; tổ chức những buổi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm về cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm thâm nhập thị trường, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, kinh nghiệm nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để sản xuất, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên bằng một môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và hoàn thiện; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xây dựng các không gian làm việc chung, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ ba, tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức trong thanh thiếu niên, cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp trẻ có thái độ đúng đắn về khởi nghiệp, có tinh thần, động lực khởi nghiệp; có kiến thức, kỹ năng, công cụ khởi nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn về áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, tiết kiệm năng lượng; biểu dương các tấm gương điển hình về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, tập huấn, hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Thứ , xây dựng mạng lưới liên kết gồm các đơn vị đào tạo, các đơn vị tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, quỹ hỗ trợ và đầu tư, chính quyền địa phương… để hỗ trợ kịp thời cho các chương trình, dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, xác định và phân loại động cơ khởi nghiệp của từng đối tượng thanh niên để có thể có những cách thức hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng đó. Giải pháp này nên được giao cho các tổ thức thanh niên, cụ thể là Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Cao Bằng, Đoàn thanh niên tỉnh Cao Bằng. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp để kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, đồng hành với thanh niên.

Thứ sáu, thực hiện có hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Cao Bằng, thực hiện tốt kết nối giữa 4 nhà (nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp và nông dân).

Đức Kiên

Cùng chuyên mục

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức Hội nghị liên kết các ngành và đối thoại chính sách nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hưng Yên

05/06/2022 08:18 Chiều

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) tổ chức Hội nghị liên kết các ngành và đối thoại chính sách nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Hưng Yên.

Hơn 9.000 ô tô nhập khẩu trong tháng 2

10/03/2022 10:34 Sáng

Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 2 gấp đôi so với tháng đầu năm 2022.

Phó Thống đốc NHNN: Việc dễ dãi với tín dụng hiện tại có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt cho tương lai

14/10/2021 06:59 Sáng

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú việc dễ dãi với tín dụng hiện tại có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt cho tương lai. Vì vậy, các chính sách tiền tệ và tài khoá luôn phải bảo đảm hài hoà hai mục tiêu gồm: hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Gọi vốn ngoại còn tùy thuộc ‘khẩu vị’ nhà đầu tư

14/03/2022 07:37 Sáng

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để tăng sức hấp dẫn đối với NĐT, đồng thời mở rộng cơ hội hút vốn ngoại, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các ngân hàng. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đều có những lựa chọn dựa trên tiêu chí của họ, ngân hàng nào đáp ứng được kỳ vọng thì họ sẽ lựa chọn.

Việt Nam đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu thủy sản

05/01/2021 08:54 Chiều

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Đối tác